Cuộc đời và sự nghiệp Bắc Sơn (nghệ sĩ)

Bắc Sơn tên thật Trương Văn Khuê, sinh ngày 25 tháng 12 1931. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Phước Lộc (nay là thị trấn Long Thành), huyện Long Thành, Đồng Nai. Năm ông 14 tuổi cha ông hy sinh trong khi tham gia kháng chiến chống Pháp.

Từ năm 1952 đến 1977, ông là giáo viên dạy học ở nhiều tỉnh. Ông chuyển vào Sài Gòn năm 1965 và bắt đầu được biết đến khi thực hiện chương trình "Quê Ngoại" trên truyền hình.

Bài nhạc đầu tiên của ông là Giòng Đồng Nai sáng tác năm 1955 mà tận bốn năm sau mới được ca sĩ Anh Ngọc hát. Tiếp theo là một loạt bài Sóng vỗ bờ xa, Tình người ra biển, Nắng lên cho đẹp... Trong đó bài Nắng lên cho đẹp được dùng làm nhạc hiệu mở đầu chương trình Hương Quê hằng ngày trên Đài truyền hình Sài Gòn.

Các bài nhạc nổi tiếng nhất của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam bộ như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Còn thương góc bếp chái hè, Sa mưa giông... Riêng bài Còn thương rau đắng mọc sau hè được ông viết làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình "Bếp lửa ấm" phát trên đài Truyền hình Sài Gòn ngày 27 tháng 11 1974. Người trình bày đầu tiên ca khúc này là ca sĩ Hoàng Oanh. Sau 1975, ca sĩ Hương Lan ghi âm lại tại Pháp và bài nhạc nhanh chóng phổ biến.

Điều đặc biệt là Bắc Sơn rất ít xuất bản nhạc của mình vì chính ông tự nhận "bài nào cũng lỗ to".

Bắc Sơn còn là một diễn viên nổi tiếng, ông tham gia diễn xuất trong khoảng 60 phim điện ảnh. Một vai được nhiều người biết tới như Sĩ (Xa và gần), Năm Ngưu (Vùng gió xoáy), Hai Bạc Liêu (Người tìm vàng), Phúc (Cô Nhíp), ông Tư (Con chó phèn)... Và vai Năm Ngưu đã giúp ông đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim toàn quốc lần thứ 9.

Bắc Sơn cũng là tác giả của 80 kịch bản phim. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngày 3 tháng 2 năm 1997.

Bắc Sơn mất ngày 23 tháng 2 năm 2005.

Năm 2016, quỹ học bổng mang tên ông được An Nông Group lập ra mục đích để trao cho con em nghệ sĩ nghèo, công nhân hậu đài có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.[1]